Tổng quan về quy định hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu tàu thủy tại một số khu vực châu Á

Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vừa phê duyệt Quy chế Kiểm soát ô nhiễm không khí (nhiên liệu cho tàu thủy), mở rộng áp dụng tiêu chuẩn giới hạn lưu huỳnh 0,50% đối với dầu nhiên liệu cho tất cả các tàu thủy hoạt động ở vùng nước Hồng Kông (trước đây quy định này chỉ áp dụng cho các tàu neo đậu trong vùng nước Hồng Kông).

Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, tất cả các tàu được yêu cầu sử dụng nhiên liệu tuân thủ với hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 0,50% hoặc sử dụng thiết bị làm sạch khí xả khi ở trong vùng nước Hồng Kông.

Thuyền trưởng và chủ tàu tàu sử dụng nhiên liệu không tuân thủ trong vùng nước Hồng Kông phải chịu mức phạt tối đa 200.000 đô-la và phạt tù trong sáu tháng. Các thuyền trưởng và chủ tàu của các tàu không ghi chép hoặc không lưu giữ các bản ghi liên quan đến dầu nhiên liệu của tàu theo quy định phải chịu mức phạt tối đa 50.000 đô-la và phạt tù trong ba tháng.

Ngoài Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã công bố các biện pháp tương đương có hiệu lực sớm hơn ngày 1 tháng 1 năm 2020, khi mà quy định về ngưỡng lưu huỳnh 0,50% trong dầu nhiên liệu tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu.

Cơ quan quản lý vận tải Đài Loan (Trung Quốc) đã tuyên bố tất cả các tàu ghé vào cảng của Đài Loan, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, phải chạy bằng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,50% hoặc nhiên liệu tuân thủ khác, trừ khi tàu được trang bị thiết bị lọc khí xả, để đảm bảo thực hiện nhất quán ngưỡng lưu huỳnh của IMO.

Cơ quan quản lý giao thông Đài Loan đã công bố khoản tài trợ 5.000 Đài tệ cho tất cả các tàu vào các cảng khu vực đã chuyển đổi nhiên liệu tuân thủ trước ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Tại Trung Quốc, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018, các tàu hoạt động tại khu vực kiểm soát phải thải Đồng bằng sông Dương Tử (Yangtze River Delta ECA) không được sử dụng nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh vượt quá 0,50%, trừ khi có hệ thống làm sạch khí xả được phê duyệtt.

Trung Quốc đã quy định Châu Giang (Pearl River), Đồng bằng sông Dương tử (Yangtze River Deltas), vùng nước ven bờ Vịnh Bột Hải (Bohai-rim Waters) là khu vực kiểm soát phát thải nội địa của nước này (domestic ECA) vào năm 2015, và tuyên bố thực hiện với mức độ nghiêm ngặt tăng dần các yêu cầu liên quan đến phát thải gây ô nhiễm không khí từ tàu.

Một số khuyến nghị cho chủ tàu và người khai thác tàu khi đưa tàu đến các khu vực nêu trên của châu Á cần lưu ý:

• Hoạt động chuyển đổi nhiên liệu của tàu phải được hoàn thành trước khi tàu vào hoặc được bắt đầu sau khi tàu ra khỏi khu vực được quy định;

• Để tránh ô nhiễm, đảm bảo rằng các quy trình chuyển đổi nhiên liệu được lập thành văn bản cho phép đủ thời gian để hệ thống trực nhật dầu nhiên liệu xả hoàn toàn tất cả các loại dầu nhiên liệu vượt quá hàm lượng lưu huỳnh cho phép trước khi vào khu vực được quy định;

• Bảo đảm việc ghi chép chính xác các nhật ký tàu, bao gồm các mục như thời gian thực hiện các hoạt động chuyển đổi nhiên liệu, khối lượng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp trong mỗi két, cũng như ngày, giờ và vị trí của tàu khi bất kỳ hoạt động chuyển đổi dầu nhiên liệu nào đã được hoàn thành trước khi tàu vào khu vực được quy định hoặc được bắt đầu sau khi tàu ra khỏi khu vực đó;

• Bảo đảm việc lập hồ sơ chất lượng nhiên liệu cung cấp cho tàu, chẳng hạn như việc lưu giữ trên tàu các phiếu giao nhận dầu nhiên liệu (BDN) và các mẫu đại diện của dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp được giao cho tàu;

• Xác minh các yêu cầu phát thải lưu huỳnh áp dụng tại bất kỳ thời điểm nào với đại lý tàu hoặc chính quyền cảng trước khi tàu đến cảng, vì một số chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền liên quan vẫn đang tiếp tục đánh giá việc thực hiện quy định mới và các biện pháp kiểm soát được thực hiện.

Vũ Hải