“Vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi qua con mắt nhà văn Nguyễn Công Hoan
LTS: Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông được coi là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Di sản nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan có hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học với nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển của nền văn học hiện thực Việt Nam như: Người ngựa – ngựa người, Kép Tư Bền, Bước đường cùng, Đống rác cũ,… Cuốn sách “Nhớ gì ghi nấy” của Nguyễn Công Hoan được viết từ năm ông lên tuổi 70 và đến những năm cuối đời. Nhà xuất bản Tác phẩm mới đã tổng kết, những nội dung chính ông nêu trong cuốn sách gồm 3 nội dung chính: 1. Những việc xảy ra trong đại gia đình mà nhà văn có lẽ muốn cho con cháu biết. 2. Một số nhân vật (những tên Tây thực dân, quan lại, địa chủ, tư sản mại bản) mà tác giả nghe biết và ghi lại. 3. Những điều tai nghe mắt thấy phần nhiều vào đầu thế kỷ này khi nhà văn đương tuổi thanh niên. Đó là những ghi chép về Hà Nội, những nơi nhà văn đã ở, làm việc và đi qua. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dành nhiều trang sách nói về doanh nhân, “vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), người hơn ông 26 tuổi và là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất vào thời bấy giờ. Những trang viết của Nguyễn Công Hoan về Bạch Thái Bưởi là sự “nhớ và ghi”, là những thông tin dữ liệu lịch sử qua lăng kính của một nhà văn cùng thời với Bạch Thái Bưởi, trong đó có nhiều trang viết khen và cũng nhiều trang viết chê. Điều đó cũng phản ánh một thái độ, tinh thần rất khách quan, khoa học của Nguyễn Công Hoan khi viết về doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin trích một số đoạn trong cuốn sách nói về “Vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi của nhà văn Nguyễn Công Hoan với mong muốn cung cấp thêm cho độc giả tư liệu về một nhân vật đặc biệt của ngành đóng tàu Việt Nam này.
Chân dung Bạch Thái Bưởi trên Nam Phong tạp chí
Ở Hải Phòng có ông Nguyễn Hữu Thu, chủ tàu thủy. Ông này vừa làm nghị viên dân biểu, vừa làm Hội trưởng Hội Trí tri là danh nhân ở cảng. Người ta còn gọi ông là ông Thông Vôi. Thông, chắc là chức thông ngôn. Vôi, vì có dạo trong cơm tù, ông hòa vôi vào với gạo để thổi cho cơm nở. Thông Vôi thành tên không phải để chế nhạo, mà để gọi thường. Ông Thu cũng nhận cái tên nhân dân đặt cho mình, không ngượng ngịu, không xấu hổ. Ông Thu thông gia với Bạch Thái Bưởi, một nhà triệu phú hồi đó, nối nghiệp về nghề buôn tàu thủy. Là thông gia vì hai người cùng giàu và cùng ở Hải Phòng. Nhưng hai người là địch thủ của nhau trong việc buôn bán cạnh tranh ghê gớm với nhau. Song, do là thông gia, ông Bưởi và ông Thu lại vẫn vay tiền lẫn của nhau. Không đến thăm nhau được, thì gọi điện hỏi thăm sức khỏe của nhau.
Một lần ông Thu gọi điện hỏi thăm sức khỏe của ông Bưởi, ông này trả lời: Khổ quá, tôi đang lo món nợ cụ đến hạn mà không xoay đâu để trả đúng hẹn, nên đương ốm đây, cụ ạ.
Ông Thu chết, ông Bưởi biết giờ đưa đám, nhưng phải bảo thư kí rằng gần đến giờ thì nhắc. Đến giờ thư kí nhắc, ông Bưởi mải làm cho xong một việc. Làm xong, vội vàng mặc quần áo chỉnh tề, để ra xe đến nhà ông Thu. Lúc ấy đám tang đã đi được một quãng.
…
Bạch Thái Bưởi còn gọi là Kí Bưởi, vì có làm kí rượu (bán rượu cho côn ti độc quyền Phông Ten). Có người nói hồi ông mới buôn tàu, thì công ti với bà phán Thái. Vì vậy, mới đặt hai tên là Thái và Bưởi. Còn họ Bạch nghĩa là trắng, là không lấy họ riêng của ai. Ở tàu thủy, thường cắm cờ màu vàng, viền đỏ, có bốn chữ Bạch Thái công ti.
Ông này là tư sản dân tộc, có tài buôn bán, nhưng cũng có tài đi lừa. Ngày nay, có một cuốn sách viết về tư sản Việt Nam, nói rằng ông Bưởi bị tư bản đế quốc chèn ép nên phá sản. Mình ngạc nhiên, cho là điều này mình không rõ, nên đến hỏi tác giả là ông Bưởi bị tư sản đế quốc chèn ép như nào, tác giả không trả lời được cụ thể. Mình thì biết về ông Bưởi khác kia. Thì ra ông tác giả này máy móc, theo quy luật đã viết trong các sách khác mà gán cho ông Bưởi bị nạn chèn ép. Song sự thực lại không phải như thế, nên ông tác giả không trả lời được câu hỏi của mình.
Những chuyện mà mình được nghe về ông Bưởi rất nhiều. Triệu phú hồi này rất hiếm, cho nên chuyện về ông Bưởi không mấy người không biết. Bạch Thái Bưởi lập nghiệp từ việc có tiểu bài bán rượu lẻ của công ti độc quyền Phông Ten, sau được lĩnh trưng bán rượu một tỉnh (Kí Bưởi là kí rượu tên là Bưởi).
Năm đặt đường xe lửa Nam Định – Thanh Hóa, ông thầu làm tà vẹt cho hãng xe lửa. Tà vẹt là khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. Ông đặt mua tà vẹt của dân theo kích thước và giá cả mà đôi bên đã thỏa thuận. Nhưng không rõ mánh khóe về kích thước thế nào, hoặc dùng thước khi đo tà vẹt thế nào mà lúc dân giao tà vẹt cho ông thì không đúng kích thước đã quy định. Ông không lấy, trả lại người làm. Thế thì họ dùng tà vẹt làm gì, nên lại phải bán rẻ cho ông. Thế là ông lãi được rất nhiều.
Những người làm tàu với ông Bưởi nói rằng không một ai dính dáng đến tiền nong với ông mà không bị lừa. Ông lừa từ một vài trăm, cho đến một vài hào. Ông có thầy cãi riêng. Tháng nào tòa án cũng phải xử một vài vụ kiện ông về tội ông đi lừa. Ông quỵt tiền thuê nhà hàng trăm, và lừa cả những người hàng nước, thuê đất trên bờ sông, bến tàu của ông, mỗi tháng 1 - 2 đồng. Hình như bệnh của ông là bệnh đi lừa. Tháng nào không lừa được ai thì ông không yên lòng. Thành thử bao nhiêu những người vào công ty buôn tàu với ông buổi đầu đều bị ông lừa suốt lượt. Rút cục, gọi là Bạch Thái công ti mà chẳng còn ai được chia lãi với ông.
Tàu (sà lúp- chaloupe) Phi Hổ - một trong những phương tiện thuộc đội tàu thủy vận chuyển của doanh nhân Bạch Thái Bưởi
Ông buôn tàu, mới đầu có vài chiếc nhỏ, như chiếc Yên Bái, mua lại của cô Tư Hồng (con me Tây đầu tiên ở Việt Nam). Sau, phát tài ông có tàu chạy Hà Nội - Nam Định, Hà Nội – Hải Phòng, Nam Định – Hải Phòng, Hà Nội – Tuyên Quang, Hải Phòng – Kiến An, Nam Định – Lạc Quần,… Ông lại đóng được chiếc tàu chạy biển, vào Bến Thủy, lấy tên là Bình Chuẩn.
Ở Bắc Kì, ông có tàu đi khắp các sông, cho nên ngày ấy Phạm Quỳnh chủ báo Nam Phong được ông thuê viết bài đăng báo để quảng cáo cho Công ti Bạch Thái đã tâng bốc ông là Vua Sông để so với các vua dầu hỏa, vua sắt ở bên Mĩ. Về việc này, ông thuê Phạm Quỳnh 500đ. Nhưng rồi chỉ trả có 300đ, nói rằng vì bài viết không đủ. Việc này làm Lê Văn Phúc sượng mặt với Phạm Quỳnh. Lê Văn Phúc là chủ nhà in, in báo Nam Phong, đồng thời cũng là một trong năm người sáng lập báo Nam Phong. Phúc là em vợ hay em rể của Bưởi, mới đứng ra giới thiệu Bưởi với Quỳnh nên Quỳnh mới viết bài này. Ngày trước nhà in Lê Văn Phúc (16 Hàng Hài) cũng gọi là nhà in Kí Bưởi. Vậy Bạch Thái Bưởi cũng đã có thời kì mở nhà in, sau mới nhường nhà in cho Phúc.
Một ma-két quảng cáo của hãng vận tải Bạch Thái Bưởi trên báo chí thời Pháp thuộc năm 1924
Tàu Kí Bưởi ganh nhau với tàu hiệu. Tàu hiệu là tàu của chủ Hoa kiều. Nhưng do người Việt Nam mình giầu tinh thần dân tộc nên đi tàu Kí Bưởi. Tàu hiệu chỉ còn lấy việc chở hàng là chính. Việc này cũng dễ hiểu, vì hàng họ từ Trung Quốc sang ta, đổ ở Hải Phòng, nên các hiệu Hoa kiều ở Hải Phòng tải đi các nơi bằng tàu của người nước họ, chứ không bằng tàu Kí Bưởi. Ngoài tàu Kí Bưởi và tàu hiệu, còn có tàu của Pháp, gọi là tàu Tây điếc và Tây cao, đi các sông, lại không sống bằng chở hàng và chở khách, mà sống bằng chở thư Bưu điện, nhưng được trợ cấp rất nhiều. Cần nhớ rằng, hồi Kí Bưởi mới có tàu chở khách, ông có đặt ở mỗi tàu một thùng quyên tiền. Không chuyến nào thùng quyên tiền không có tiền. Có lần có cả một tờ giấy 20đ.
Vì cạnh tranh với tàu hiệu về việc lấy khách nên thỉnh thoảng hai bên ganh nhau. Ganh nhau về chạy nhanh, ganh nhau về hạ giá vé. Từ Hà Nội đi Nam Định, khách hạng thường trả 1 hào. Hạng thường là hạng ngồi ở hai bên rìa. Vì ở giữa tầu là buồng rộng, có cửa đóng để che gió, gọi là sa lông, khách trả ba hào. Hai bên rìa thì có thể gió mưa hắt vào. Tàu hiệu không có sa lông, khách thuê chiếu nằm ngổn ngang trên sàn, bất cứ chỗ nào. Cạnh tranh thì sa lông không hạ giá. Nhưng hạng thường thì hạ giá. Khi thấy tàu Kí Bưởi hạ xuống 1 hào thì tàu hiệu cũng hạ theo. Rồi tàu Kí Bưởi không hạ thêm, mà biếu mỗi người khách một gói chè đáng giá 1 xu. Được ít lâu, hình như hai bên cùng thiệt hại, mới điều đình với nhau thế nào đó, nên giá lại như cũ.
Ngày hội đền Kiếp Bạc, Kí Bưởi cho tàu chở khách từ Hải Dương đi Kiếp Bạc để tranh khách với tàu hiệu. Bên tàu hiệu mất khách, mới hạ giá vé. Nhưng bên Kí Bưởi cũng hạ theo. Sau bên tàu hiệu quay quắt, mới nghĩ ra kế là thuê người làng ỉa bậy ở bến tàu Kí Bưởi. Qủa nhiên khách thấy bẩn, thì tàu Kí Bưởi có bớt khách. Nhưng Kí Bưởi nghĩ ngay cách đối phó. Ông mới thuê người dọn cứt là người làng ấy. Người làng với nhau thì khuyên bảo hoặc dọa nạt được những người ỉa bậy. Bên Kí Bưởi từ đó được sạch sẽ. Hai tàu còn ganh nhau đến trêu tức nhau, rồi sinh ra thù hằn nhau.
Tàu Kí Bưởi tốt, chạy nhanh, nên mặc cho tàu hiệu nhổ neo trước. Đến lúc tàu Kí Bưởi đuổi kịp thì hành khách đứng ra mạn tàu để xem, cũng lấy làm khoái, nên được người ba toong, tức là người bẻ lái, xui là vỗ tay lên, cho bên tàu hiệu xấu hổ.
Kí Bưởi là người rất cương quyết, cứng rắn. Người ta kể rằng con trai thứ tư của ông là Bạch Thái Tư được ông cho sang Pháp học. Ba người con lớn là Toán, Tòng, Đào không nối được nghiệp của ông, vì chúng chơi bời, kém nhân cách, nên ông chỉ mong về Tư. Một hôm đương làm việc, ông nhận được tờ điện báo, báo tin Tư chết. Xem xong, ông cho tờ điện báo vào ngăn kéo, tiếp tục làm việc cho đến lúc hết giờ.
Nhưng ông lại rất mê tín. Ông tin một người thầy bói ở Nam Định. Thấy nói tháng nào ông cũng nhờ bói xem tháng ấy, ông làm ăn thế nào. Cái ngày tàu ông bị đắm nhiều, chỉ còn chiếc Tự Đức là tốt, thì thầy bói xem quẻ nói rằng tàu Tự Đức đến hôm ấy, hôm nọ cũng sẽ bị đắm. Ông tức lắm, mới đánh điện, bắt tàu Tự Đức trở về Nam Định ngay. Và trước ngày thầy bói nói bị đắm, thì ông bắt đóng cọc xung quanh, lấy dây xích sắt và chão cột chặt tàu với cọc cho thật chắc chắn. Nhưng sáng hôm sau, có tin báo cho ông, biết là tàu Tự Đức đắm. Thì ra vì nó bị cột chặt quá, khi nước thủy triều dâng lên, nó không nổi rềnh lên được, nước mới ùa vào cả tàu. Thầy bói còn nói ông giầu thế nhưng lúc chết sẽ không còn mảnh bát mà ăn. Ý nói nghèo rồi chết đói.
Việc ông bán tất cả tàu của ông cho hãng Sauvage (Xô Va) của Pháp không phải vì ông bị tư bản đế quốc chèn như cuốn sách đã quá sách vở, mà là vì ông đã nhìn rất xa. Dạo ấy ở Bắc Kì lác đác có phong trào ô tô buýt chở khách. Ông mới nhìn ngay thấy tương lai của ông. Tàu của ông chỉ ăn về chở khách, mà khách sẽ đi ô tô buýt vừa nhanh vừa rẻ. Ông mới đùn cái chết cho hãng Xô Va. Hãng này mua tất cả tàu của ông, trả cho ông một món trước, rồi sau trả dần mỗi tháng là 500đ. Tức là để chống lại số mệnh mà thầy bói đoán. Với món tiền này, ông đổi nghề ra Bí chợ, khai mỏ than.
Bạch Thái Bưởi có điểm tốt là đã dùng Bùi Như Uyên, một người Đông du về nước nhưng bị lộ, và nuôi con thứ hai cụ Thượng Hiền là Nguyễn Thượng Khoa, cho sang Pháp học với Bạch Thái Tư. Nguyễn Thượng Khoa hiện ở bên Pháp, không về nước.
….
Bài viết trích dẫn từ cuốn sách: “Nhớ gì ghi nấy” của Nguyễn Công Hoan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998, 770 trang
Nguyên Phong (sưu tầm và giới thiệu)
Bài viết liên quan
- Thủy quân và ngai vàng ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII: Kỷ nguyên của những con cắt biển (09/12/2024)
- Tàu chở hàng 17.500 DWT – Trường An Ship, ký hiệu thiết kế SS-12 (15/11/2024)
- Độc đáo lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô (30/10/2024)
- Ngắm thuyền buồm trên Hồ Tây năm 1954 (10/10/2024)
- “An nam chiến thuyền thuyết” (Nói về thuyền chiến An Nam) (26/08/2024)
- Vài nét về siêu du thuyền Koru của tỉ phú Jeff Bezos (19/07/2024)
- Trở lại chuyện Bạch Thái Bưởi và vụ kiện con tàu Albert Sarraut (01/07/2024)
- Nước Nam biết đóng tàu máy đã hơn một trăm năm nay (22/05/2024)
- Xem lại hình ảnh những ngày đầu tiên xây dựng Cảng Ba Son (23/04/2024)
- Khufu: Thuyền gỗ lớn nhất và lâu đời nhất thế giới (01/04/2024)